Mới đây, tạp chí Consumer Reports đã tổ chức một buổi chụp hình để chứng minh rằng ngay cả khi chiều cao và trọng lượng của trẻ em vượt qua giới hạn của loại ghế quay mặt về phía trước (thường là khi trẻ lớn hơn 3 tuổi), hầu hết vẫn chưa đủ lớn để sử dụng dây an toàn như người trưởng thành.
Trong trường hợp này, sử dụng ghế nâng (boosters) là giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em. Ghế nâng không cồng kềnh và cấu tạo phức tạp như loại dành cho trẻ sơ sinh và mới biết đi, nhưng vẫn đảm bảo việc nâng đỡ cơ lưng, tránh tổn thương các cơ quan nội tạng và hệ xương sống còn non yếu của trẻ trong tình huống xe phanh gấp hoặc xảy ra va chạm. Loại ghế này giúp nâng trẻ em lên độ cao vừa phải, để có thể sử dụng dây an toàn của chiếc xe.
Có 2 kiểu ghế nâng chính: Có dựa lưng và Không có dựa lưng.
Loại không có dựa lưng giống như một tấm đệm và dễ cài đặt nhưng sẽ không an toàn cho trẻ bằng loại ghế có đỡ lưng, vì loại có dựa lưng cho trẻ tư thế ngồi tốt hơn, vừa vặn với dây đai an toàn, giúp bảo vệ trẻ khỏi các tác động va đập trong các vụ va chạm.
Việc chọn được chiếc ghế ngồi ô tô em bé phù hợp với độ tuổi, chiều cao và cân nặng của trẻ là rất quan trọng. Trẻ ngồi ghế ô tô vừa vặn sẽ giúp bảo vệ an toàn tối đa. Thông thường, trẻ em cần sử dụng ghế nâng cho đến khi đạt chiều cao tối thiểu 145 cm, và từ 8 đến 12 tuổi. Đó là khi có thể dùng dây an toàn của xe. Đồng thời, khi đó, bộ xương của trẻ cũng đã phát triển hoàn thiện, cứng hơn và có thể chịu được áp lực từ dây an toàn khi xe phanh đột ngột hoặc xảy ra va chạm.
Consumer Reports cho biết, vị trí an toàn nhất dành cho trẻ em dưới 12 tuổi là ở ghế sau. Tại Mỹ, nhiều tiểu bang thậm chí đã ban hành luật bắt buộc phải dùng ghế nâng cho trẻ em dưới 8 tuổi.
Bài viết liên quan: